Nhật hoàng Naruhito (Lệnh Hòa) vừa chính thức đăng cơ hôm 1/5 ngay sau lễ thoái vị của phụ hoàng Akihito (Bình Thành), mở ra một kỷ nguyên mới đối với hoàng triều lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại lẫn cả nước Nhật.

Nhật hoàng Naruhito đăng cơ sau lễ thoái vị của phụ hoàng Akihito hôm 01/05. Ảnh: Nikkei.
Nhật hoàng Naruhito đăng cơ sau lễ thoái vị của phụ hoàng Akihito hôm 01/05. Ảnh: Nikkei.

Bên cạnh ý chí quật cường, tinh thần cầu tiến và ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá, … có thể nói, chế độ quân chủ lập hiến chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp nước Nhật trở nên cường thịnh và ngày càng nhân văn.

Chính thể quân chủ lập hiến (constitutional monarchy) được đề cập ở đây là hình thức nhà nước duy trì vai trò của vua hay quốc vương từ thời phong kiến, nhưng vị quân vương sẽ không nắm thực quyền, mà các vấn đề của đất nước chủ yếu sẽ do đảng chính trị chiếm đa số ghế tại Quốc hội (hoặc nghị viện) lãnh đạo; đảng này có quyền tự chấp chính, hoặc liên minh với đảng khác để thành lập chính phủ. Vì thế, quân chủ lập hiến còn được gọi bằng một cái tên khác là quân chủ đại nghị (parliamentary monarchy), với thủ tướng là người đứng đầu chính phủ và thường thuộc đảng chiếm đa số. Trong chính thể quân chủ lập hiến, nhà vua là nguyên thủ quốc gia (head of state), nhưng về quyền lực thì chỉ mang tính tượng trưng, đại diện cho truyền thống, lịch sử và là biểu tượng của sự đoàn kết, thống nhất quốc gia. Nhà sử học người Anh, Nam tước Thomas Macaulay (1800 – 1859) từng đúc kết đặc điểm của nền quân chủ lập hiến bằng câu: “nhà vua trị vì nhưng không cai trị” (A sovereign who reigns but does not rule).

Quân chủ đại nghị hiện là hình thức nhà nước phổ biến ở nhiều nước, tiêu biểu là Anh Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Đan Mạch, NaUy, Bỉ, Hà Lan, Thái Lan, Campuchia … Mặc dù không phải tất cả, nhưng nhìn chung phần lớn các quốc gia quân chủ lập hiến đều rất phát triển theo hướng thịnh vượng, thanh bình, dân chủ và nhân văn, nhất là khi đem so sánh với những nền quân chủ tuyệt đối (absolute monarchy, như Ả Rập Saudi, Brunei, ...), cộng hòa tổng thống (ở Mỹ Latin, Đông Âu, châu Phi) hoặc các nhà nước toàn trị khác trên thế giới (Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, …).

Hoàng gia Anh là một biểu tượng nổi tiếng nhất thế giới. Ảnh: Kull News.
Hoàng gia Anh là một biểu tượng nổi tiếng nhất thế giới. Ảnh: Kull News.

Tại sao lại có hiện tượng này? Bởi sẵn trong lòng mỗi xã hội luôn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn [nội tại], đòi hỏi cần có một thực thể đứng ra đóng vai trò trung gian hòa giải. Vì thế, một nhà vua uy tín, đức độ, được nhân dân yêu mến sẽ là một vị trọng tài lý tưởng để kết nối các bên và giúp dung hòa những bất đồng, xung đột. Ở đây có thể tham khảo vai trò của hoàng gia Anh, hoặc trường hợp Thái Lan.

Vua Bhumibol Aduladej hay Rama IX (1927 – 2016) của Thái Lan là một trong số những vị quân vương trị vì lâu, và có uy tín nhất thế giới. Mặc dù đi theo chế độ quân chủ đại nghị, nhưng vị quốc vương này đã từng phải vài lần can thiệp vào chính trường Thái để hòa giải các xung đột. Ông cũng chính là người có công lớn trong nỗ lực kiến tạo tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Thái Lan từ thập niên 1990. Ở vào thời điểm leo thang của cuộc khủng hoảng chính trị năm 1992, nhà vua đã triệu tập Thủ tướng Suchinda và Thủ hiến Bangkok Chamlong đến gặp gỡ tại cung điện. Hình ảnh hai nhân vật đang chống đối nhau cùng phủ phục trước nhà vua đã gây ấn tượng mạnh mẽ với toàn thể người dân Thái, dẫn đến quyết định từ chức của Suchinda. Một cuộc tổng tuyển cử được tiến hành, và nền dân chủ được phục hồi từ đó. Hay như ở Tây Ban Nha, nhà vua Felipe VI cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng quốc gia khi lên tiếng mạnh mẽ phản đối chủ trương đòi ly khai của xứ Catalonia, nơi có câu lạc bộ bóng đá Barcelona nổi tiếng (năm 2017).

Hai lãnh đạo phe nhóm đối nghịch trong biến cố Tháng Năm đen ở Thái Lan năm 1992 quỳ phục trước nhà vua Bhumibol Aduladej. Ảnh: The Daily Star.
Hai lãnh đạo phe nhóm đối nghịch trong biến cố Tháng Năm đen ở Thái Lan năm 1992 quỳ phục trước nhà vua Bhumibol Aduladej. Ảnh: The Daily Star.

Hoàng gia Anh là một biểu tượng cực kỳ nổi tiếng tại đảo quốc cùng hệ thống 15 nước cựu thuộc địa thuộc khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), bao gồm Canada, Úc, New Zealand, … vốn từng là một đế chế “không bao giờ biết đến Mặt trời lặn”. Tất cả đều đồng thuận duy trì danh xưng nguyên thủ quốc gia đối với vua Anh (hiện nay là Nữ hoàng Elizabeth II), và gần như sẽ không bao giờ muốn thay đổi nguyên trạng (status quo) đó, mặc dù cũng đã từng xuất hiện một số quan điểm ly khai ở Úc và New Zealand, đòi biến hai nước này thành những nền cộng hòa (republican) đích thực.

Cách đây hơn 150 năm (1867), trong cuốn English Constitution (Hiến pháp Anh), tác giả Walter Bagehot (1826 – 1877) đã chỉ ra những lợi thế của mô hình quân chủ lập hiến, khi tách bạch giữa quyền lực cao quý (dignify) với sự hiệu quả (efficiency). Theo lập luận của Bagehot, chế độ quân chủ lập hiến có thể được xem như một liều thuốc giải độc cần thiết để ngăn chặn tham vọng của các chính trị gia (khỏi sự thái quá và sa vào xu hướng độc tài). Thử tưởng tượng, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Rodrigo Duterte (Tổng thống Philippines) hay ông Viktor Orban (Tổng thống Hungary) – những đại diện của chủ nghĩa dân túy (populism) đang gây hoang mang trên thế giới – có lẽ sẽ rất khó lên nắm quyền trong một nền quân chủ lập hiến thực thụ.

Kinh phí duy trì hoạt động của hoàng gia tại các nước quân chủ lập hiến thường được lấy toàn bộ hoặc một phần từ ngân sách quốc gia (tức tiền thuế) – theo quy định trong hiến pháp. Ngoài ra, các hoàng gia cũng nắm giữ trong tay những khối tài sản nhất định và từ đó có nguồn thu nhập riêng (như nữ hoàng Anh Elizabeth II và người thừa kế ngai vàng của bà có nguồn thu nhập chủ yếu từ bổng lộc nhà nước và bất động sản cá nhân). Trong khi một số hoàng tộc, chủ yếu tại các quốc gia quân chủ tuyệt đối như Brunei, Qatar, Ả Rập Saudi … đặc biệt giàu có (sở hữu gia tài nhiều tỷ USD), thì hoàng gia Nhật Bản – một mẫu mực của mô hình quân chủ lập hiến – lại sống hết mực giản dị, không hề phô trương, hào nhoáng.

Trong bài viết Is having a monarchy better for your economy? (Liệu nền quân chủ có tốt cho kinh tế?) trên CNBC của tác giả Jenny Cosgrave, một nghiên cứu dựa trên nhiều dữ liệu tài chính thu thập được đã phát hiện thấy: các nước có nguyên thủ là vua hoặc nữ hoàng thường đạt được bảng cân đối ngân sách lành mạnh và đáng tin cậy hơn nhiều so với phần còn lại. Cụ thể, theo báo cáo của tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poors về khả năng trả nợ của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong số 39 nước được vua hoặc nữ hoàng trị vì, thì có đến 15 đại diện – chủ yếu nằm trong khối thịnh vượng Anh – được chấm điểm AAA (tức mức cao nhất). Do đó, không quá khi nói rằng, quân chủ lập hiến thực sự là một mô hình nhà nước dân chủ mẫu mực, xứng đáng để cho các quốc gia khác tham chiếu.

Thái Lan là nơi mà các tướng lĩnh quân đội rất hay thực hiện đảo chính để lên nắm quyền. Trong biến cố chính trị lớn vào mùa hè 1992 – sự kiện sau này được gọi là Tháng Năm đen, khiến nhiều binh sĩ và dân thường thiệt mạng; Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã triệu cả Thủ tướng Suchinda Kraprayoon và Thủ hiến Bangkok Chamlong Srimuang – lãnh đạo hai phe chống đối nhau – tới cung điện rồi nói: “Dân tộc này thuộc về tất cả mọi người, không chỉ một hay hai người nhất định. Những ai thách thức nhau đều là kẻ thua cuộc. Và dân tộc này sẽ là người thua cuộc của mọi kẻ thua cuộc. Vì đâu mà các anh tự nhủ rằng các anh là người chiến thắng khi mà các anh đang đứng trên đống đổ nát và những mảnh vỡ?” Chỉ một vài câu nói tưởng chừng đơn giản ấy đã ôm trọn tinh thần của cả dân tộc Thái và cứu đất nước khỏi thảm họa.